Đánh Cao Câu Ly, các cuộc nổi dậy bắt đầu Tùy_mạt_Đường_sơ

Sau khi tiêu diệt Nam triều Trần vào năm 589, tái thống nhất Trung Quốc, tránh được các cuộc xung đột biên giới với Đông Đột QuyếtCao Câu Ly, Tùy trải qua một thời gian thái bình thịnh trị. Khi Anh Dương Vương Cao Nguyên của Cao Câu Ly từ chối thể hiện sự thần phục trước Tùy Dạng Đế vào năm 610, Tùy Dạng Đế đã quyết định lập kế hoạch chinh phục nước này, cả ông và người dân Tùy đều tin tưởng rằng việc chinh phục sẽ dễ dàng.

Tuy nhiên, để lo hậu cần cho cuộc tấn công Cao Câu Ly, triều Tùy đã bắt nhiều người đi lao dịch và thu các loại thuế khác, nhằm đóng chiến thuyền, cũng như các vận chuyển lương thực và các khí tài khác đến căn cứ ở Trác quận (涿郡, nay gần tương ứng với Bắc Kinh), gây ra gián đoạn lớn trong chu kỳ canh tác và khiến nhiều dân phu vận chuyển khí tài đến Trác quận bị thiệt mạng. Năm 611, tại phương Bắc, những người không muốn tòng quân bắt đầu tham gia vào các cuộc khởi nghĩa nông dân dưới quyền các lãnh tụ như Vương Bác (王薄) và Lưu Bá Đạo (劉霸道). Tùy Dạng Đế ban đầu không xem các cuộc nổi dậy này là những mối đe dọa nghiêm trọng, mặc dù quân triều đình tại địa phương đã không thể dặp tắt chúng.

Tùy Dạng Đế phát động chiến dịch chống Cao Câu Ly đầu tiên vào năm 612, vượt qua Liêu Hà sang lãnh thổ Cao Câu Ly. Tùy Dạng Đế đích thân dẫn một đội quân bao vây thành Liêu Đông (遼東, nay thuộc Liêu Dương, Liêu Ninh), trong khi phái các tướng Vũ Văn Thuật (宇文述) và Vũ Trọng Văn (于仲文) dẫn đội quân Tùy còn lại tiến sâu vào lãnh thổ Cao Câu Ly, tiến về kinh thành Bình Nhưỡng của nước này, hợp quân với hạm đội do tướng Lai Hộ Nhi (來護兒) thống lĩnh. Tuy nhiên, Tùy Dạng Đế đã không thể chiếm được thành Liêu Đông, trong khi Vũ Văn Thuật và Vũ Trọng Văn bị tướng Cao Câu Ly Ất Chi Văn Đức (乙支文德) đánh bại trong trận Tát Thủy và buộc phải triệt thoái với tổn thất nặng nề. Đến mùa thu năm 612, Tùy Dạng Đế cũng buộc phải chấm dứt chiến dịch và triệt thoái trong khi chỉ đoạt được một ít đất đai. Khoảng 30 vạn lính đã Tùy đã thiệt mạng trong chiến dịch này.

Tùy Dạng Đế phát động chiến dịch chống Cao Câu Ly lần thứ hai vào năm 613, bất chấp việc có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân xảy ra hơn và mức độ nghiêm trọng cũng lớn hơn. Ông lại đích thân dẫn quân đi bao vây thành Liêu Đông, trong khi phái Vũ Văn Thuật và Dương Nghĩa Thần (楊義臣) dẫn quân tiến đến Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong khi Tùy Dạng Đế đang bao vây thành Liêu Đông, tướng Dương Huyền Cảm đã nổi dậy và tấn công vào đông đô Lạc Dương. Khi Tùy Dạng Đế hay tin, ông đã cho quân của mình triệt thoái và phái Vũ Văn Thuật và Khuất Đột Thông (屈突通) trở về Lạc Dương trước. Vũ Văn Thuật và Khuất Đột Thông đã hội quân cùng với Phàn Tử Cái (樊子蓋) và Vệ Văn Thăng (衛文昇)-những người thống soái các đội quân mà Tùy Dạng Đế cho lưu thủ tại Lạc Dương và Trường An- để đánh bại Dương Huyền Cảm. Tùy Dạng Đế tiến hành các hành động trả thù độc đoán đối với những đồng đảng (hoặc bị nghi là đồng đảng) của Dương Huyền Cảm, song các hành động như vậy không ngăn cản được các cuộc nổi loạn thêm nữa.

Mặt dù trong nước rối loạn, Tùy Dạng Đế tiếp tục chiến dịch tấn công Cao Câu Ly lần thứ ba vào năm 614. Tuy nhiên, khi Lai Hộ Nhi tiến đến sông Áp Lục, Cao Câu Ly đã chịu khuất phục, cho đưa đồng đảng của Dương Huyền Cảm là Hộc Tư Chính (斛斯政)- người đã chạy trốn sang Cao Câu Ly trước đó- trở về Tùy. Tùy Dạng Đế đã chấm dứt chiến dịch, song khi ông triệu Anh Dương Vương Cao Nguyên đến để vị quốc vương này thể hiện sự thần phục trước ông, Cao Nguyên đã khước từ. Tùy Dạng Đế bắt đầu lập kế hoạch tiến hành một chiến dịch thứ tư song ông đã không bao giờ có thể phát động nó.

Trong khi đó, vào mùa thu năm 615, Tùy Dạng Đế viếng thăm thành Nhạn Môn (雁門, nay thuộc Hãn Châu, Sơn Tây). Do không hài lòng trước việc Tùy Dạng Đế thực hiện chia rẽ Đông Đột Quyết để buộc hãn quốc này phải tiếp tục phục tùng, Thủy Tất khả hãn A Sử Na Đốt Cát Thế đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào Nhạn Môn, bao vây thành. Quân Tùy phần lớn vẫn trung thành với Tùy Dạng Đế và họ đã vội vàng kéo đến Nhạn Môn để giải vây, và đích thân Tùy Dạng Đế đã hứa sẽ trọng thưởng cho những người đến hộ giá. Tuy nhiên, sau khi được giải vây, ông đã thất hứa và khiến tướng sĩ oán giận.